“Những sai lầm dù rất nhỏ của mẹ trong thời kỳ cho con ăn dặm cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển của trẻ” – TS – BS Phan Bích Nga cho biết.
Hiện nay, khá nhiều bà mẹ có con trong giai đoạn ăn dặm than thở rằng con thường xuyên chán ăn dù đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào việc chế biến đồ ăn cho bé. Một số mẹ không hiểu vì sao con không hề tăng cân dù thực đơn ăn dặm của trẻ không bao giờ thiếu thịt, cá…
Nhiều bé luôn lắc đầu nguầy nguậy trước đồ ăn dặm dù được chế biến rất cầu kỳ.
Về vấn đề này, TS – BS Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích: “5 tháng đầu tiên chỉ cần bú sữa mẹ là cơ thể bé đã được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất. Bước sang tháng thứ 6, nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cao hơn, trẻ bắt đầu làm quen với đồ ăn dặm. Từ giai đoạn này cho tới khi 2 tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn khá non nớt nên bất cứ sai lầm nào dù rất nhỏ của mẹ khi cho bé ăn dặm cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quá trình phát triển của bé”.
Theo Bác sĩ Phan Bích Nga, nếu cho con ăn dặm sai cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa của trẻ, khiến bé chán ăn, cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
Dưới đây là 6 sai lầm khi cho con ăn dặm mà Bác sĩ Phan Bích Nga khuyên các mẹ tuyệt đối phải tránh:
Cho bé ăn dặm không đúng thời điểm
Thời điểm thích hợp để cho bé ăn dặm là khi bé bắt đầu được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên nhiều mẹ đã tập cho con ăn bột từ tháng thứ 3 – 4. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé còn rất non nớt nên khả năng tiêu hóa tinh bột còn kém. Cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn, chậm tăng cân thậm chí có thể dẫn tới suy dinh dưỡng.
Ngược lại, một số bà mẹ vì thấy con chỉ cần bú sữa mà vẫn tăng cân đều đặn nên không tập cho con ăn bột, cháo và các loại thức ăn khác dù bé đã trên 6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn dặm quá muộn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của bé, khiến bé phản kháng, không chịu ăn thức ăn đặc.
Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn cũng đều ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ.
Khẩu phần ăn của bé chứa quá nhiều đạm
Nhiều mẹ nghĩ rằng cho con ăn càng nhiều thực phẩm giàu chất đạm càng tốt nên sử dụng rất nhiều thịt, cá để chế biến đồ ăn dặm. Tuy nhiên, khẩu phần ăn quá nhiều đạm không những khiến bé bị rối loạn tiêu hóa mà còn dẫn đến chứng biếng ăn.
Dùng nước xương/thịt hầm nấu cháo cho bé
Bấy lâu nay, nhiều mẹ vẫn nghĩ rằng dùng nước hầm xương hay thịt nấu cháo sẽ giúp bé cứng cáp hơn vì có chứa nhiều canxi và đạm. Thực tế thì trong nước xương, thịt hầm chứa nhiều nitơ nên có mùi vị thơm ngon, nhưng những chất cần thiết cho cơ thể trẻ là protid và canxi rất khó hòa tan trong nước nên vẫn còn lại trong xương, thịt.
Lạm dụng máy xay sinh tố
Nhiều bà mẹ cho rằng trong giai đoạn ăn dặm nếu xay nhuyễn đồ ăn bằng máy xay sinh tố sẽ giúp trẻ dễ nhai, dễ tiêu hóa và ăn được nhiều loại thực phẩm cùng một lúc. Tuy nhiên, ăn đồ xay nhuyễn khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần bé sẽ lười ăn. Hơn nữa, việc xay nhuyễn thức ăn khiến bé quen ăn nát, chỉ cần ăn những món hơi lạo xạo là sẽ nôn trớ.
Đồ ăn xay nhuyễn khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai.
Lời khuyên dành cho những mẹ “nghiện” máy xay sinh tố là sang tháng thứ 7 – 8 nên cho con ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, sang tháng thứ 12 nên cho bé làm quen với cháo nấu còn hạt và thức ăn được băm nhỏ, nhuyễn.
Chiều theo sở thích của con
Có những bé chỉ thích ăn thịt cá, luôn lắc đầu nguầy nguậy trước đồ ăn chế biến từ rau củ và ngược lại. Nhiều cha mẹ lại chiều theo sở thích của con mà không tìm cách điều chỉnh thói quen cũng như chế độ dinh dưỡng cho bé. Sự nuông chiều này sẽ khiến trẻ bị mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hướng lớn tới quá trình phát triển thể chất và trí não.
Khẩu phần ăn khoa học có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ bao giờ cũng phải bao gồm 4 nhóm thực phẩm chính: nhóm thực phẩm chứa bột đường, nhóm chứa chất béo, nhóm chứa chất đạm và rau, trái cây.
Không cho trẻ sử dụng dầu ăn đặc chế
Khác với các loại dầu ăn thông thường, dầu ăn dinh dưỡng cho trẻ em được sản xuất từ các loại dầu thực vật cao cấp, dầu Cá hồi, vitamin nên đây là nguồn cung cấp chất béo cực kỳ đầy đủ và có lợi cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số bà mẹ không có thói quen sử dụng dầu ăn dinh dưỡng khi chế biến đồ ăn dặm khiến bát bột, cháo không đủ dưỡng chất và năng lượng cung cấp cho trẻ.
Sau khi tắt bếp, chỉ cần cho thêm 1-2 muỗng café dầu ăn dinh dưỡng là những món ăn dặm dành cho bé sẽ tăng thêm hương vị và cũng đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất đặc biệt là DHA, Omega 3, Omega 6…
Theo Bác sĩ Phan Bích Nga, với công thức được thiết kế dành riêng cho trẻ từ độ tuổi ăn dặm trở đi, dầu ăn dinh dưỡng có nguồn gốc từ động vật và thực vật đảm bảo cung cấp đầy đủ các axit béo có lợi và vitamin thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ. “Trợ thủ” này sẽ giúp cha mẹ bớt đau đầu và lăn tăn khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn ăn dặm.
Như vậy, để quá trình “hợp tác ăn dặm” giữa mẹ và bé được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả, các mẹ nên lưu ý không phạm phải 6 lỗi thường gặp nói trên nhé!